Kon Tum - Hành trình 110 năm - Bài 1: Từ huyền sử đến lịch sử
Khởi phát từ làng nhỏ cổ xưa bên hồ, 110 năm trôi qua với bao thăng trầm, cả trong huyền sử đến lịch sử, mảnh đất Bắc Tây Nguyên luôn thấm đẫm ý chí và nghị lực của bao thế hệ. Để hôm nay, chúng ta được tự hào về một Kon Tum đang phát triển nhanh mà bền vững.
Chuyện xưa của dân tộc Ba Na kể rằng: Cách đây xa thật là xa, làng Kon Trang Or (về sau gọi là Chư Hreng)- một ngôi làng ở gần sông Đăk Bla- vốn nổi tiếng về sự thịnh vượng và hiếu chiến, thường đi đánh phá các làng khác để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ.
Ja Xi- một người trong làng có 2 con trai là Jơ Rông và Jơ Uông. Khác với những trai tráng trong làng, Jơ Rông và Jơ Uông chán ghét cảnh làng này đánh nhau với các làng khác. Vì vậy, một ngày nọ, Jơ Rông và Jơ Uông đã quyết định bỏ làng Kon Trang Or đi tìm nơi làm nhà ở riêng.
Đến vùng đất gần hồ nước cạnh sông Đăk Bla, 2 anh em thấy nơi này rất tốt nên dừng lại dựng nhà, khai khẩn đất trồng lúa; đẽo gỗ làm thuyền, bện dây rừng thành lưới để đánh bắt cá. Dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một đông, lập thành một làng mới với tên gọi Kon Tum.
Hiện đại, năng động, thân thiện với môi trường là hướng phát triển của đô thị Kon Tum. Ảnh: HL
Theo ngôn ngữ của người Ba Na thì “Kon” là làng, “Tum” là hồ nước. “Kon Tum” là “Làng Hồ” - chỉ một làng nhỏ của người Ba Na sống gần bên hồ nước cạnh dòng sông Đăk Bla.
Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập ra của người Ba Na sát bên bờ sông Đăk Bla, nơi có nhiều hồ nước trũng. Trải qua nhiều năm tháng, nơi đây đã thành nơi quần cư của nhiều dân tộc tại chỗ, như Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai...
Vượt qua “bức màn” huyền bí của huyền sử, trong dòng chảy đầy thăng trầm của lịch sử, “làng hồ” đã chứng kiến nhiều cuộc xâm chiếm của các vương quốc Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La, cũng như sự thu phục của nhà Lê (từ năm 1471) và nhà Nguyễn sau này.
Cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược, hình thái tổ chức xã hội phổ biến duy nhất ở Kon Tum là “làng”. Làng được xem như một đơn vị hành chính mang tính bao quát và cụ thể chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Người Pháp đến Kon Tum từ rất sớm bằng con đường truyền giáo. Trong giai đoạn 1841 - 1850, thực dân Pháp đã đặt được cơ sở Thiên chúa giáo đầu tiên ở Kon Tum. Năm 1867, thực dân Pháp bắt đầu tấn công xâm lược Kon Tum - Tây Nguyên bằng vũ lực và cả những thủ đoạn thâm độc nhằm chia rẽ các dân tộc trong vùng.
Sau khi chính thức đô hộ Việt Nam (bằng Hòa ước Giáp Thân 1884) thực dân Pháp áp dụng ngay chính sách "chia để trị" đối với Kon Tum và đặt Kon Tum cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác trực thuộc Trung kỳ (miền Cao nguyên Trung kỳ).
Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum. Với Nghị định này, Kon Tum từ vị thế “làng hồ” trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo Nghị định này, địa bàn tỉnh Kon Tum bao gồm: Trung tâm hành chính Kon Tum (Đại lý Kon Tum) tách từ tỉnh Bình Định; Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú yên; Đại lý Đăk Lăk (tỉnh Đăk Lăk bị bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh và được sáp nhập vào tỉnh Kon Tum). Đến tháng 12/1929, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra Nghị định thành lập thị xã Kon Tum và thị xã Pleiku. Cả 2 thị xã này đều thuộc tỉnh Kon Tum.
Hơn 60 năm đặt ách thống trị tại Kon Tum (nếu tính từ năm 1884), thực dân Pháp đã thực thi nhiều chính sách, thủ đoạn cai trị bạo tàn, kích động hận thù sắc tộc. Tại đây, chúng đã lập nên nhà ngục Kon Tum làm nơi đày ải, giam giữ tù chính trị và những chiến sĩ cộng sản.
Nhưng nhà ngục “khét tiếng toàn cõi Đông Dương” này không chỉ có đau thương, không chỉ là xương máu, mà còn là biểu tượng cho ý chí bất khuất của người cộng sản; là hạt giống đỏ nảy mầm xuân vươn tới hạnh phúc, ấm no.
Nơi đây, ngày 25/9/1930, tức chỉ mấy tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại vùng đất Bắc Tây Nguyên- Chi bộ Binh- được thành lập với 4 đảng viên.
Mùa Thu năm 1945, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 25/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi trọn vẹn, nhanh gọn, không có đổ máu.
Từ làng nhỏ bên hồ, Kon Tum đã và đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: QUANG VINH
Điều đặc biệt là tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Kon Tum diễn ra khi chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo. Quần chúng yêu nước chịu ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp qua nhiều năm từ những chiến sĩ cộng sản đã tự động nổi dậy giành chính quyền.
Sau khi quay trở lại tấn công xâm lược Kon Tum lần thứ 2 (ngày 26/6/1946), thực dân Pháp thành lập lại bộ máy cai trị trong toàn tỉnh, thực hiện âm mưu xây dựng Bắc Tây Nguyên làm căn cứ chiến lược lâu dài.
Trong những năm tháng chiến tranh, vùng đất Kon Tum vẫn giữ vai trò chiến lược cả với ta và địch. Với tinh thần thượng võ, ý chí kiên trung bất khuất, với truyền thống đấu tranh anh dũng, quân và dân Kon Tum một lòng gắn bó sắt son với cách mạng, tin và đi theo Đảng, Bác Hồ, làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Mùa Xuân đại thắng 1975, thống nhất đất nước.
Thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị, ngày 29/10/1975, Ủy ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai-Kon Tum.
Ngày 12/8/1991, Kon Tum trở về với vai trò đơn vị hành chính cấp tỉnh, khi tỉnh Gia Lai - Kon Tum được chia tách theo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII .
Chúng ta đang tưng bừng chào đón kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum. Chúng ta có quyền tự hào khi Kon Tum không chỉ vững vàng vượt qua bao thăng trầm, chiến đấu và chiến thắng ách thống trị của ngoại bang. Và càng tự hào hơn khi vị thế của quê hương Kon Tum đang ngày càng lớn mạnh, cơ đồ ngày càng tươi sáng. (còn nữa)
Nguồn: Báo Kon Tum