A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 của BCH TW Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; nhận thức của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân được nâng lên, góp phần tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Trang 

tới chung vui với bà con thôn Đăk Tiêng Kơ Tu, xã Đăk La, huyện Đăk Hà 

trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

 

Để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó, đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế trên từng địa bàn, khu vực. 

 

Cụ thể, đối với khu vực kinh tế nhà nước, đã sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo quy định, đúng tiến độ. Môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến rõ nét; hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên. Doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

 

Khu vực kinh tế tư nhân, đã cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, kêu gọi được một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm như Vingroup, TH True Milk....đến đầu tư tại tỉnh. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng lẫn quy mô; mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 sẽ có hơn 4.900 doanh nghiệp được thành lập, tỷ trọng đóng góp chiếm 35% GRDP tỉnh. 

 

Kinh tế tập thể: Đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 226 hợp tác xã, 01 Liên hợp tác xã với hơn 1.142 lao động và 220 tổ hợp tác với khoảng 2.363 thành viên. Trong đó, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tham gia vào HTX đạt 16,7%. Nhiều HTX, tổ hợp tác đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

 

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là tại cấp xã. Nhiều giá trị văn hóa, một số nghề thủ công truyền thống của các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Đã lãnh đạo thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa.  

 

Chất lượng giáo dục, đào tạo chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng dần qua các năm. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được đầu tư, sắp xếp, tạo thuận lợi cho người học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt kết quả tích cực.

 

Phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo đó, đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-02-2019 của Bộ Chính trị “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, Quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân.

 

Thực hiện công khai, dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn. Các tổ chức trong hệ thống chính trị đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Thực hiện nghiêm quy định về dân chủ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư khi thu hồi đất để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

 

Cùng với đó, lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của tỉnh.

 

Cụ thể, đối với giai cấp công nhân, quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chính sách về nhà ở, bảo hiểm thất nghiệp…. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 18.981 công nhân lao động được ký hợp đồng lao động (đạt 88,6%), trong đó khoảng 18.543 công nhân lao động được đóng BHXH, BHYT. Thu nhập bình quân của công nhân, người lao động là 4,6 triệu đồng/người/tháng, trong đó, mức lương cao nhất là trên 16 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 2,3 triệu đồng/người/tháng. 

 

Đối với giai cấp nông dân, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ, nhóm hộ vay vốn ưu đãi của Nhà nước; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho sản lượng, giá thành cao; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đổi công, trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất, thu hoạch mùa màng... nhằm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

 

Qua đó, đã xây dựng được 408 mô hình kinh tế, 7.876 hộ, nhóm hộ thực hiện hiệu quả việc phát triển các mô hình kinh tế, 53.024 hộ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, 893 ha cây ăn trái, rau, hoa… được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; thành lập được 133 tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, cà phê, cao su; 14.829 hộ phát triển ngành nghề dịch vụ và có 31.465 hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có mức sống khá.

 

Ban hành và thực hiện hiệu quả Chỉ thị về nâng cao chất lượng tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, kiểm tra, giám sát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, gây phiền hà, sách nhiễu Nhân dân. 

 

Chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. 

 

Việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc được chú trọng. Đã ban hành và lãnh đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 07-9-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức của các đoàn thể chính trị - xã hội đạt 81,2%, trong đó: Đoàn thanh niên 77,2%; Hội Liên hiệp Phụ nữ 75,7%; Hội Nông dân 74,8%; Hội Cựu chiến binh 90,3%; Công đoàn 88,6%. Qua đó, giúp mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, các phong trào đều thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia, góp phần tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

 

Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động ngày càng đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả tích cực, trong đó, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai từ năm 2021 đến nay tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình hỗ trợ việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh.

 

Chú trọng thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, nhất là đối với các tổ chức cơ sở đảng ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm; đến tháng 9-2022, toàn Đảng bộ tỉnh có 30.725 đảng viên, 100% thôn, làng, tổ dân phố có tổ chức đảng và đảng viên; toàn tỉnh hiện có 588/756 thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên; trong đó có 283/756 bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố. 

 

Đồng chí Y Ngọc – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

trao đổi với bà con làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy

 

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum xác định, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh . 

 

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng quy định để kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Phát huy vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của Nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ.

 

Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”; Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. 

 

Đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật... Tiếp tục triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao./.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 13
Tháng 10 : 165
Tháng trước : 331
Năm 2024 : 5.113