A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy thanh toán trực tuyến

Thay vì phải thực hiện thanh toán trực tiếp, hiện nay, người dân có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến thanh toán các khoản lệ phí, phí giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giúp tăng tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại.

Từ ngày 7/6/2021, cá nhân, hộ gia đình được thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính các thủ tục về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Đây được đánh giá là bước đột phá về ứng dụng thanh toán trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính công, nhất là các dịch vụ đối với cá nhân, hộ gia đình.

Theo đó, sau khi nhận được tin nhắn của cơ quan có thẩm quyền thông báo các loại nghĩa vụ tài chính về đất đai phải nộp, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện tra cứu theo mã hồ sơ trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả và số chứng minh thư/căn cước công dân để tra cứu nghĩa vụ và thực hiện thanh toán trực tuyến qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai giúp người dân tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức. Ảnh: HL

 

Chứng từ nộp tiền sẽ được ký điện tử bởi các ngân hàng hoặc trung gian thanh toán và luân chuyển đến các cơ quan nhà nước phục vụ cho việc giải quyết các thủ tục hành chính tiếp theo.

Với quy trình thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn, người dân và doanh nghiệp chỉ cần một thiết bị kết nối với internet như máy tính hoặc điện thoại, có thể dễ dàng tra cứu nghĩa vụ và thực hiện nộp tiền trực tuyến qua ngân hàng hoặc quét mã QR để thanh toán và hoàn tất hồ sơ.

Theo đại diện Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, việc triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính các thủ tục về đất đai đối với cá nhân, hộ gia đình đem lại nhiều lợi ích cho cả phía cơ quan nhà nước và phía hộ gia đình, cá nhân.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng được yêu cầu theo dõi tiến trình giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế hồ sơ quá hạn và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức với công dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Đối với công dân, khi làm thủ tục về đất đai, sẽ biết được tiến trình giải quyết hồ sơ của mình và nhận được kết quả thông báo nghĩa vụ tài chính phải nộp thông qua hệ thống tin nhắn tự động ZMS qua zalo.

Đồng thời tiến hành thanh toán nghĩa vụ tài chính bằng hình thức trực tuyến mà không phải đến cơ quan thuế để lấy thông báo nghĩa vụ tài chính và đến ngân hàng để nộp tiền.

Không chỉ tăng tính minh bạch trong thu ngân sách, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến mà còn tạo thêm sự lựa chọn về hình thức thanh toán cho công dân, góp phần giảm thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

Tuy nhiên, số liệu theo dõi tình hình thực hiện từ ngày 1/1-5/9/2023 cho thấy, tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC của tỉnh chỉ đạt 12,91%.

Bố trí cán bộ trực hướng dẫn người dân tạo tài khoản, thanh toán trực tuyến. Ảnh: HL

 

Cụ thể, về thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 3.993 giao dịch thanh toán thành công với tổng số tiền hơn 394.238.500 đồng.

Về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai của 10 huyện, thành phố, đã thực hiện 2.711 giao dịch thanh toán thành công với tổng số tiền hơn 6,86 tỷ đồng. Nhưng trong đó, ở cấp tỉnh còn một số đơn vị có TTHC có phí, lệ phí nhưng tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến dưới 30%.

Ở cấp huyện, có 9 huyện, thành phố chưa đạt 30%, trừ huyện Đăk Hà đạt 31,58%.

Đặc biệt là ở cấp xã, kết quả theo dõi cho thấy nhiều xã chưa phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến.

Theo UBND tỉnh, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 30% hồ sơ thanh toán trực tuyến trong năm 2023 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, từng bước nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.

Trong đó, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận hồ sơ thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh để đảm bảo việc xử lý hồ sơ có mã số theo quy định toàn quốc.

Nghiên cứu tích hợp giải pháp thanh toán quét mã QR trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh phù hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán có hỗ trợ mã QR trong thanh toán trực tuyến qua nền tảng Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính.

Các cơ quan liên quan như Viễn thông, Cục Thuế tỉnh thiết lập, đăng ký sử dụng biên lai điện tử; thực hiện thủ tục ủy quyền, bàn giao biên lai thu tiền để Bưu điện tỉnh thu phí, lệ phí và thanh toán hộ cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thanh toán các dịch vụ hành chính công bằng tiền mặt.

Tại cấp huyện và cấp xã, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thanh toán trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích. Tạo mọi điều kiện về cơ sở kĩ thuật để triển khai thanh toán trực tuyến thông qua việc ký kết với ngân hàng triển khai thanh toán trực tuyến các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền bằng nền tảng thanh toán của ngân hàng.

Và một việc làm rất cần thiết là bố trí cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận “một cửa” cấp huyện để hướng dẫn người dân tạo tài khoản, thanh toán trực tuyến trên Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Từ đó tăng tỷ lệ người dân tiếp cận với hình thức thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công, thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ công của người dân.

Bởi thực tế cho thấy, những “nút thắt” về thói quen và trình độ công nghệ thông tin của người dân là nguyên nhân khiến tỷ lệ phát sinh giao dịch phí, lệ phí trực tuyến chưa cao.                                      


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7
Hôm qua : 14
Tháng 01 : 167
Tháng trước : 210
Năm 2025 : 167