A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng chương trình thực hiện với 05 giải pháp trọng tâm, nhằm nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, nhất là HTX nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình.

05 giải pháp trọng tâm là: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 20 và các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương về phát triển kinh tế tập thể; Triển khai thực hiện chính các sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với kinh tế tập thể; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đối với phát triển kinh tế tập thể.

 

Cụ thể, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 10-KH/TW của Bộ Chính trị, các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương về phát triển kinh tế tập thể nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các ngành, các cấp về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nòng cốt là hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nhằm tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với hợp tác xã và phát huy vai trò của các thành viên hợp tác xã trong công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

 

Đối với triển khai thực hiện chính các sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể: Tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương về ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể; đồng thời, nghiên cứu có chính sách hỗ trợ của tỉnh theo quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế phát triển của địa phương.

 

Chủ động xây dựng các Chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế tập thể hàng năm và các giai đoạn; cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế tập thể phù hợp với khả năng cân đối của địa phương.

 

Đối với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể: Phát triển kinh tế tập thể dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức kinh tế tập thể.  

 

Có giải pháp phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể như: Các quan hệ về tài sản, đất đai, vốn góp, không để các hợp tác xã tồn tại hình thức hoặc hoạt động không đúng bản chất. Rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.

 

Phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể. Tăng cường vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, thu hút thêm thành viên mới, đa dạng hoá các loại thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể nhằm huy động nguồn lực, nâng cao tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể.

 

Nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch, gắn với củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán. Tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm từng bước thực hiện chuyển đổi số.

 

Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước ưu tiên hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả; sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể.

 

Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương; đẩy mạnh thu hút hộ, chủ trang trại tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển cả số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường, đúng phương châm “Hợp tác - Đổi mới - Phát triển - Hiệu quả”.

 

Có giải pháp hiệu quả để phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 mô hình hợp tác xã kiểu mẫu để nhân rộng trên địa bàn. Tăng cường liên kết với các tổ chức uy tín để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản trị, điều hành, tư duy kinh doanh cho đội ngũ quản lý các hợp tác xã. Đẩy mạnh kết nối, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.

 

Đối với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với kinh tế tập thể: Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến cơ sở.

 

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

 

Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế tập thể. Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn trên địa bàn để liên kết, tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã. Tạo điều kiện, hỗ trợ các hợp tác xã tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tham gia cung ứng hàng hóa cho các hệ thống phân phối, kinh doanh bán lẻ, hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Đối với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đối với phát triển kinh tế tập thể: Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.

 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú. Kịp thời khen thưởng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên tham gia phát triển các loại hình kinh tế tập thể. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc hình thành và phát triển hợp tác xã; là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể; thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình, dự án của địa phương.

 

Một số mục tiêu cụ thể thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW:

Đến năm 2030: Phấn đấu thành lập mới khoảng 300 tổ hợp tác, 150 hợp tác xã, 05 liên hiệp hợp tác xã. Các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới hoạt động ổn định, hiệu quả, đúng quy định.

Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá; trong đó, có ít nhất 50% tổ chức kinh tế tập thể tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

Có trên 12% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% sản phẩm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản lên hệ thống đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Tầm nhìn đến năm 2045: Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.

Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tổ chức kinh tế tập thể tham gia các chuỗi liên kết.

Các hợp tác xã đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 10
Tháng 04 : 473
Tháng trước : 598
Năm 2024 : 1.908